LỚP 9 - BÀI VIẾT SỐ 3 BỘ SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG | VIẾT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT (Trong đời sống học sinh hiện nay)

Ngày 19/11/2024 11:52:01, lượt xem: 140

 

Đề bài: Em hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trả lời câu hỏi: Làm thế nào để học sinh giải tỏa được áp lực học tập?
 

Bài làm

Vào năm 2022, báo “Tuổi trẻ online” có đăng tải thông tin: “Ở bậc THCS và THPT tại Thành phố Hồ Chí Minh, có 12% học sinh cảm thấy bị stress, 22.58% em trong trạng thái lo âu, và 13% học sinh trầm cảm vì bài vở. Con số 13% như cảnh lời tỉnh khiến chúng ta cần suy nghĩ nhiều hơn về câu hỏi: Làm thế nào để học sinh giải tỏa được áp lực học tập? 

Vậy áp lực học tập là gì? Áp lực học tập là là sự căng thẳng về tinh thần do nhiều nguyên nhân khác nhau ở các bạn học sinh. Điều này có thể gồm áp lực điểm số cao, từ sự kỳ vọng của gia đình, thầy cô và chính bản thân các bạn học sinh tạo ra. 

Trước hết, áp lực học tập bắt nguồn từ việc các bạn học sinh chưa tổ chức, sắp xếp lịch học, vui chơi một cách hợp lý. Khi đối diện với những áp lực, nhiều bạn chưa mạnh dạn nói lên lòng mình với mọi người xung quanh. Không chỉ từ phía học sinh, áp lực học tập còn xuất phát từ những kỳ vọng trường top, điểm cao của cha mẹ dành cho con mình. Mục tiêu trường top, điểm cao đã trở thành sợi dây vô hình trói buộc, trở thành “hòn đá tảng” đè nặng lên vai các em. Đặc biệt, khối lượng kiến thức nặng trên trường cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở nhiều bạn học sinh. 

Áp lực học tập đã để lại nhiều hậu quả nặng nề đối với học sinh. Nó đã gây nên tình trạng stress, lo âu, mệt mỏi, khiến cho sự tập trung của các bạn học sinh bị giảm sút. Bị áp lực quá lớn cũng khiến các bạn mắc một số vấn đề về tâm lý như trầm cảm, rối loạn tinh thần, … ảnh hưởng đến việc học tập. Điều này còn khiến các bạn chán học, không hứng thú với việc học, học chống đối không có hiệu quả. 

 

ĐỌC THÊM: BÀI VIẾT SỐ 2 - BỘ SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG || BÀI VĂN NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH ĐẶC SẮC NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT BÀI THƠ “TIẾNG ĐÀN MƯA” - BÍCH KHÊ.

 

Trước những hậu quả nặng nề mà áp lực học tập để lại, chúng ta cần làm gì để có thể giải tỏa được điều đó? Trước hết, mỗi học sinh cần lên cho mình một kế hoạch cụ thể, cân đối giữa việc vui chơi và học tập. Việc lên kế hoạch cụ thể, cân đối sẽ giúp các bạn học tập hiệu quả, giải tỏa được những áp lực, căng thẳng sau thời gian học tập dài. Đồng thời, khi gặp áp lực, các bạn cũng cần mở lòng chia sẻ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè và những người đáng tin cậy. Điều này sẽ giúp bạn nhận được những lời khuyên hữu ích từ cha mẹ, thầy cô, … Trong quá trình học tập, học sinh cũng có thể áp dụng các giải pháp thư giãn như nghe nhạc, đọc truyện, đọc sách, vui chơi, xem phim, … Các hoạt động này sẽ giúp chúng ta cân bằng lại tâm lí, tránh việc học quá nhiều dẫn đến căng thẳng. 

Không chỉ đối với học sinh, gia đình cũng cần có những giải pháp thiết thực để đồng hành cùng con trong quá trình giải tỏa áp lực học tập. Mỗi cha mẹ cần phải biết lắng nghe, thấu hiểu hơn với con. Chỉ khi chúng ta biết lắng nghe, thấu hiểu, con trẻ mới có thể không ngần ngại mà mở lòng chia sẻ những áp lực mà bản thân chúng đang mắc phải. Không chỉ vậy, cha mẹ cũng nên dành cho con thời gian nghỉ ngơi không nên gò bó, ép buộc con trong việc học tập. Hơn thế, cha mẹ cũng không nên đặt kỳ vọng quá cao vào con trẻ. Bởi chỉ khi chúng ta không đặt kỳ vọng vượt quá sức, các em mới có thể bộc lộ được hết khả năng của mình, không quá bị ràng buộc bởi trường top, điểm cao. Đặc biệt, theo các chuyên gia khuyên rằng, cha mẹ cần làm bạn với con. Điều này là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp cha mẹ có thể đồng hành với con trong việc giải tỏa những áp lực học tập. 

 

ĐỌC THÊM: DÀN Ý BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ MỘT VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT CHI TIẾT NHẤT - LỚP 9 | TÌNH TRẠNG THIẾU NGUỒN NƯỚC SẠCH HIỆN NAY

 

Về phía nhà trường, các thầy cô cũng cần tổ chức các hoạt động vui chơi xen kẽ với việc học. Điều này sẽ giúp các em thoải mái, thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Ngoài ra, việc điều chỉnh lại chương trình sao cho phù hợp với lứa tuổi cũng là một trong những giải pháp hiệu quả giúp các bạn học sinh có thể giảm bớt được áp lực mà học tập mang lại. Ở Thụy Sỹ, tại một lớp tiểu học, các thầy cô đã huấn luyện một chú chó để chơi với trẻ em. Thành viên đặc biệt trong lớp này đã giúp các em nhỏ giải tỏa được căng thẳng, bình tĩnh hơn trong các kì thi. Với những giải pháp như trên, tôi tin rằng với những giải pháp như trên, vào một ngày không xa, áp lực học tập sẽ không còn tồn tại ở học sinh. 

Như vậy, áp lực học tập là một trong những tình trạng cần được giải quyết kịp thời. Mỗi chúng ta cần có những nhận thức đúng đắn về tác hại to lớn mà vấn đề gây ra đối với học sinh và xã hội. Đồng thời, mỗi người cũng cần có những giải pháp thiết thực phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng này. Có như vậy, trẻ thơ mới phát triển một cách lành mạnh và toàn diện, những vụ việc thương tâm do áp lực học tập gây ra mới không hiện hữu trong đời sống của các bạn học sinh. 

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học Văn vip lớp 9 - 2k10

Tin liên quan